Sự hy sinh không kể xiết của những người mẹ

Fig. 32.jpg

Hình 32. Nhóm trẻ em ở căn cứ quân sự Pháp ở Seno (Lào), trước khi lên máy bay sang Pháp, ngày 6 tháng 5 năm 1963, ảnh số 1 – Sưu tập  : Hélène M.-S.

Fig. 33.jpeg

Hình 33. Nhóm trẻ em ở căn cứ quân sự Pháp ở Seno (Lào), trước khi lên máy bay sang Pháp, ngày 6 tháng 5 năm 1963, ảnh số 2 – Sưu tập  : Hélène M.-S.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève (1954) quy định phi thực dân hóa Đông Dương, các lực lượng Pháp rút sang Lào, đặc biệt là đến Seno, nơi Pháp giữ một căn cứ không quân. Hàng ngàn thường dân đi theo họ, đặc biệt là các gia đình có mẹ là người Việt Nam và những đứa con lai Á-Âu hoặc Á-Phi, không có hộ tịch, và cha được cho là người Pháp. Điều kiện sống bấp bênh, các cô gái đảm việc nhà, nuôi dạy các em, tự lập từ rất sớm. Ký ức của các cựu học sinh ở Seno (Yvonne, Francine, Amélie, v.v.) gợi lên hình ảnh ngôi trường, bệnh xá, thư viện, cả một đời sống xã hội có tổ chức. Vào mùa xuân năm 1963, khi căn cứ sắp đóng cửa, một số bà mẹ đã đồng ý cho những đứa con lai Á-Âu của họ sang Pháp.

Hélène M., sinh năm 1957 tại Seno (1), 6 tuổi khi cô lên đường sang Pháp vào ngày 6 tháng 5 năm 1963. Trong bức ảnh này, cô ở hàng thứ nhất, thứ 2 từ trái sang (hình 32). Nhưng hãy để cô ấy “kể” lại bức ảnh này : “Đây là bức ảnh trước lúc xuất phát, tôi là một cô bé mặc váy nhỏ và đi dép, thắt bím, đeo một sợi dây xích nhỏ quanh cổ, ăn mặc quá đơn giản cho một chuyến đi dài : trước đó, mẹ tôi chỉ nói rằng tôi sẽ đi dã ngoại nên không cần phải ăn mặc đẹp. Và trong suốt buổi tụ tập của lũ trẻ ở thư viện Seno và chuyến xe buýt ngắn từ thư viện đến sân bay quân sự, tôi không hiểu tại sao tất cả mọi người (trẻ em và bố mẹ, bao gồm cả mẹ) đều khóc, đặc biệt là nếu chúng tôi chỉ đang đi dã ngoại ở Pháp!” “Trong bức ảnh khác (hình 33), được chụp sau đó một thời gian ngắn với một nhóm nữ sinh khác, đó là tôi nhưng với đôi giày [hàng thứ nhất, thứ ba từ trái sang]. Mẹ bắt tôi phải thay giày trước khi lên xe buýt để lên đường”.

Ghi chú :
(1) Cuộc trò chuyện với Hélène M.-S. trong cuộc gặp mặt của Hội Hữu nghị Amicale des Eurasiennes tại Tu viện Saint-Rambert-en-Bugey, tháng 6 năm 2019. Trao đổi thư từ và gửi ảnh qua thư điện tử, từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 12 năm 2020
fig 34.png

Hình 34. Giấy thông hành của Hélène M. cho phép Tổ chức FOEFI đưa Cô sang Paris, qua Sài Gòn, ngày 29 tháng 4 năm 1963 – Sưu tập : Hélène M.-S.

Chia ly

Lời nói dối rõ ràng về chuyến dã ngoại chứng tỏ mẹ của Helene không thể “giải thích” cho con gái mình về hoàn cảnh, chuyến đi cũng như những hệ luỵ của nó. “Cuối cùng, khi lên máy bay,” Hélène kể lại, “Tôi đã cố gắng khóc như những người khác, và thật khó khăn vì nước mắt không rơi xuống. Nhưng tôi nhớ có lúc một người lính đón tôi lên máy bay (không có thang lên máy bay), tôi đã hét lên “Mẹ ơi, mẹ ơi” theo bản năng”.

Trên máy bay, để cô bé bớt khóc, Cô được thông báo rằng mẹ Cô sẽ đi chuyến bay tiếp theo, rằng họ sẽ gặp nhau ở Pháp. Tất nhiên đó không phải sự thật. Như đã quy định trong cam kết do mẹ của Hélène ký, giờ đây FOEFI “sẽ chăm sóc, dạy dỗ và giáo dục cô cho đến khi cô đủ tuổi trưởng thành”. Nhiệm vụ này được giao cho các Nữ tu Notre-Dame-des-Missions ở Saint-Rambert. Do đó, trên tấm giấy thông hành của cô gái, ở đầu ghi rõ rằng cô ấy chưa được đặt tên thánh (hình 34).

Fig. 35.jpg

Hình 35 : Hélène M., Savannakhet (Lào), tháng 4 năm 1963 – Sưu tập : Hélène M.-S.

Fig. 36.jpg

Hình 36. Hélène M. và Mẹ, Savannakhet (Lào), tháng 4 năm 1963 – Sưu tập : Hélène M.-S.

Một kho tàng ảnh và tình cảm

Trước khi khởi hành, mẹ của Hélène đã cẩn thận để một số bức ảnh vào hành lí của cô (hình 35 và 36).

“Mẹ và tôi đã hẹn gặp nhiếp ảnh gia ở Savannakhet [thành phố gần Seno]. Vì vậy, đó là một sự kiện lớn, giống như người dân quê đi dự một hội chợ lớn. Vì thế cần phải chuẩn bị ra thành phố, đặt một chiếc taxi và ăn mặc chỉnh tề và hơn hết là những gian hàng chợ búa, những tiếng ồn ào, những hoạt cảnh mà tôi đang sốt ruột chờ đợi và tất nhiên mẹ sẽ chiều tôi bằng cách mua cho tôi một cái gì đó ở chợ. Trong vali của tôi có ba chiếc váy, một chiếc áo khoác mỏng (cardigan), một đôi tất và dép xăng-đan, và kho báu quý giá nhất của tôi, một phong bì với một số bức ảnh. Điều đó chứng minh là tôi có một người mẹ.” Câu cuối cùng này lên nhiều điều về giá trị tình cảm của những bức ảnh này đối với cô bé Hélène. Những bức ảnh là vật hữu hình nhất mà các bà mẹ để lại cho con gái của mình. Chúng là bằng chứng về tình mẫu tử, về một “sự kiện chụp ảnh” (mối quan hệ mẹ/con gái) chứ không chỉ là một “sự kiện được chụp lại” (những khoảnh khắc cuối cùng ở bên nhau) (1). Chúng cũng là minh chứng do con người tạo ra chứng minh cho sự vắng mặt của người mẹ. Hai chiều kích này, mà chúng ta tìm thấy trong tác phẩm của Roland Barthes, giải thích lý do tại sao những bức ảnh này có giá trị lớn về mặt cảm xúc: “bức ảnh về một người đã mất làm tôi xúc động như những tia khác nhau của một ngôi sao”. Các bức ảnh không đóng vai trò là bản ghi nhớ mà là phản kí ức, chiếm một phần trong kí ức, nhưng như một hình ảnh về sự mất mát hơn là sự hiện diện (2).

Ghi chú :
(1) Ariella Azoulay, “Nhiếp ảnh gia là ai? Nhiếp ảnh là gì?”, Triết lý về Nhiếp ảnh, năm 2010, Tập 1, Số 1, Trang 9-13
(2) Roland Barthes, Căn phòng sáng. Ghi chú về Nhiếp ảnh, Paris, Gallimard, năm 1980